Cây tre gai: đặc điểm, ứng dụng, trồng và chăm sóc

Cây tre gai

Cây tre gai được nhiều người gọi bằng những cái tên quen thuộc khác như tre nghệ, tre lộc ngộc, tre gai rừng, tre la ngà. Đây là giống thực vật có hoa thuộc họ Hòa thảo và có tên khoa học là Bambusa Bambos. Ngay dưới đây, là thông tin về đặc điểm, ứng dụng, cách trồng và chăm sóc cây tre gai, mời bạn đọc cùng theo dõi! 

Đặc điểm hình thái cây tre gai

Đặc điểm cây tre gai
Đặc điểm cây tre gai

Dưới đây là những đặc điểm hình thái của cây tre gai mà chúng tôi muốn chia sẻ đến mọi người, cụ thể như sau: 

Thân

Cây tre gai có thân ngầm dạng củ và thân khí sinh cao từ 15-25m. Đường kính của thân cây phổ biến từ 5-14cm và có ngọn cong. Các lóng thân của cây tre gai dài từ 25-35cm. Vỏ thân có màu xanh lục, khi non sẽ phủ lớp lông cứng màu nâu, khi già thì nhẵn. 

Mo

Mo của tre gai có hình thang, đầu hình cung rộng và hay lõm xuống, 2 vai sẽ có mũi nhọn và hơi nhô cao. Phần tai mo thường có hình bán nguyệt và gần bằng nhau, khi lật ra ngoài phần mép sẽ có lông mi cong.

Hoa

Khi tre gai đạt tuổi trưởng thành, thì sẽ có hoa. Hoa tre là dạng bông màu vàng nhạt, có 3 hoặc là 6 nhị. Khi hoa tàn thì quả hình thành, quả rất nhỏ chỉ bằng hạt thóc.

Măng

Sau khi trồng khoảng 3 năm thì cây tre trưởng thành sẽ đẻ măng (cây non). Măng thường ra nhiều nhất là vào mùa mưa. Măng tre gai tuy có vị đắng nhưng lại rất giòn và ngọt ở hậu vị. Cho nên, loại măng này đã trở thành món ăn được nhiều người ưa thích. 

Phân bố

Tre gai phân bố trên khắp mọi miền của lãnh thổ nước ta. Từ vùng núi cho tới đồng bằng, ven sông ven bờ kênh rạch,…nơi đâu cũng có loại cây này. Tuy nhiên, cây tre gai có trữ lượng nhiều nhất là ở tại vùng Đông Bắc và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. 

Đặc điểm sinh học tre gai

Đặc điểm sinh học của cây tre gai
Đặc điểm sinh học của cây tre gai

Điều kiện tự nhiên

Tre gai ưa ẩm và ưa sáng. Cây có khả năng chịu được ngập nước lâu ngày nếu gặp mùa lũ. Tre gai không ưa những vùng đất mặn, nhiễm phèn. Độ PH phù hợp nhất với tre gai là từ 5-6.5. Nơi có đất tốt và tầng sâu và nhiều mùn cùng độ ẩm cao sẽ giúp tre gai phát triển tốt nhất.

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

Sau 3 năm trồng, thân tre sẽ cao khoảng 3m và bắt đầu ra măng. Sau 5 năm cây cao từ 8-10m và mỗi bụi tre sẽ có khoảng 10-40 thân, mỗi năm ra khoảng 30 măng. Từ cây măng phát triển thành cây trưởng thành mất khoảng 5 tháng. Cây măng sinh trưởng tốt nhất vào cuối mùa mưa. 

Công dụng của tre gai

Tre gai có rất nhiều công dụng, trong đó có thể kể đến như:

  • Làm hàng rào tre bảo vệ để chống gia súc, chống gió bão. 
  • Trồng tre gai ở ven bờ nước để chống sóng, chống sạt lở, xói mòn.
  • Thân tre được dùng để đóng cọc móng trong xây dựng, dùng đan rổ, rá, cót, liếp, đóng bàn ghế hay làm đồ dùng cho nông nghiệp, sản xuất hàng mỹ nghệ, làm bột giấy, tre trúc trang trí …. 
  • Tinh tre, nước tre non, lá tre được dùng làm thuốc chữa bệnh. 
  • Măng tre được dùng làm thực phẩm để chế biến các món ăn.

Kỹ thuật nhân giống và gây trồng cây tre gai

Kỹ thuật trồng tre gai
Kỹ thuật trồng tre gai

Nhân giống

Có thể trồng tre gay bằng cách hom gốc, hom cành, hom thân hoặc nuôi cấy mô. Ở Việt Nam hiện tại, người dân chủ yếu trồng tre gai bằng gốc. Tức là dùng một đoạn thân khí sinh có độ dài khoảng 40-60cm với khoảng 3-5 lóng để trồng. 

Vùng trồng

Cây tre gai có thể trồng được ở rất nhiều vùng miền. Đặc biệt là những khu vực ở ven suối, quanh làng, trên những vùng đất phù sa hoặc là ở chân sườn đồi có lớp đất dày đều được. Không nên trồng tre gai ở khu vực có độ cao trên 800m và nơi có mùa đông lạnh giá.

Kỹ thuật trồng

Thời vụ để trồng cây tre gai lý tưởng nhất là đầu xuân hoặc vụ thu. Trồng theo cự ly cây 10m, tức là khoảng 100-150 bụi/ha. 

Hố trồng tre cần được đào sâu 40-50cm và miệng hố rộng từ 30-40cm. Đặt giống xuống hố theo góc nghiêng 40-60 độ rồi lấp đất bằng mặt. Sau đó, lèn chặt gốc rồi dùng mùn để lấp đầy hố và gốc. 

Có thể trộn thêm đất phù sa, mùn hoặc là phân chuồng ủ mục cùng với đất mặt ở trong hố. Với cách trồng này thì tỉ lệ sống của cây giống gần như là 100%.

Cách chăm sóc

Cây tre gai cần được chăm sóc trong 2 năm đầu. Trong giai đoạn mới trồng hãy tưới nước thường xuyên để đất giữ độ ẩm nếu gặp thời tiết khô hạn. Làm sạch cỏ gần gốc tre để cây sinh trưởng tốt hơn. Nếu đất nghèo dinh dưỡng thì nên bón thêm NPK. Tỉa bớt những cành có nhiều gai ở gốc, chặt bỏ các thân cây già để bụi tre phát triển tốt hơn.

Phòng trừ sâu bệnh

Đây là loại cây rất ít khi bị sâu bệnh. Ở Việt Nam thường chỉ có nạn châu chấu ăn lá tre và sâu cuốn màng làm hại đến các lá non hay các loài động vật phá và ăn măng tre. Ngoài ra, khi thu hoạch thân tre cần chú ý đến côn trùng cánh cứng và mối.

Xem thêm : Cây tầm vông: đặc điểm, nguồn gốc và ứng dụng

Giá trị kinh tế của tre gai

Từ thời xa xưa, cây tre gai đã được dùng để xây nhà cửa, làm các đồ dùng để phục vụ đời sống. Thân cây được dùng làm cọc gia cố móng nhà, sản xuất giấy, đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Măng dùng làm thực phẩm. Lá và tinh tre được dùng làm thuốc. Cho nên, cây tre gai mang đến rất nhiều giá trị kinh tế khác nhau cho người trồng.

Khai thác, chế biến và bảo quản

Khai thác tre gai

Bụi tre gai có thể bắt đầu khai thác được sau khi đủ thời gian trồng 4 năm. Có 2 cách khai thác thường được sử dụng nhiều nhất đó là: 

  • Chặt thường xuyên và không theo định kỳ, áp dụng với mức độ khai thác ít. 
  • Chặt luân kỳ theo thời gian 4-5 năm hoặc là 5-10 năm. Với cách khai thác này, chỉ chừa lại những cây non dưới 3 tuổi, còn lại là chặt hết.

Lưu ý khi khai thác tre gai

  • Khai thác vào mùa khô để lượng nước trong thân là thấp nhất, nhằm hạn chế mối mọt. 
  • Khi dùng tre làm thủ công nên chọn cây trên 1 tuổi, dùng cho xây dựng thì chọn những cây trên 3 tuổi. 
  • Chặt cây tre càng sát gốc càng tốt và không chặt quá 60% số cây trưởng thành của bụi tre.

Khai thác măng tre gai

Sau khi măng nhú khỏi mặt đất từ 7-15 ngày sẽ được thu hoạch. Mỗi bụi tre gai có thể thu từ 6-7 cây măng non trong một năm. Thông thường vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 cây tre gái bắt đầu ra măng và kéo dài qua tháng 11.

Sơ chế, bảo quản

Đối với măng, sau khi thu hoạch có thể dùng để ăn tươi. Sơ chế măng bằng cách rửa sạch, thái thành lát dài 2-3 cm rồi ngâm nước lã từ 2-3 ngày.

Đối với thân tre, sau khai thác cần xử lý khô kiệt nước để gia tăng độ bền. Theo kinh nghiệm của những người làm trong nghề, sau khi thân tre được khai thác nên ngâm khoảng 2 tháng dưới dòng nước chảy trước khi đưa phơi khô hoặc hun khói.

Hy vọng với những thông tin mà Tre Trúc VN đã chia sẻ trong bài viết về đặc điểm, ứng dụng, cách trồng và chăm sóc cây tre gai đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức về loại cây này.