Cây luồng hiện đang trở thành một loại nguyên liệu được ứng dụng rất rộng rãi hiện nay. Vậy cây luồng là cây gì? Loài cây này có đặc điểm, ứng dụng và cách trồng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thể hiểu hơn về giống cây này.
Cây luồng là cây gì?
Cây luồng còn được gọi bằng những cái tên khác như là: mạy mèn hay mạy sang mú. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ Hòa thảo và có tên khoa học là Dendrocalamus membranaceus Munro. Cây có kích thước khá lớn thường mọc thành bụi và không có gai.
Đặc điểm sinh thái
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về đặc điểm hình thái của giống cây này nhé!
Thân
Thân ngầm của cây dạng củ, thân khí sinh thì mọc theo cụm. Khi cây trưởng thành, thân có thể đạt chiều cao 15-18m, đường kính 10-15cm và ngọn cong hay hơi rủ xuống. Các đốt ở gốc có vòng rễ khí sinh, các lóng có màu lục sẫm và chiều dài lóng từ 26-32cm với đồ dày thành vách 1cm.
Lá
Phiến lá của cây luồng thuôn có hình mũi giáo. Trung bình mỗi lá có độ dài từ 10 – 15cm và rộng khoảng 1-2cm. 2 bên mép lá luồng đều có răng cưa nhỏ, khá sắc và chìa ra bên ngoài.
Mo
Mo của cây luồng có hình mũi giáo, cả 2 mặt mo đều có lông tơ. Mo có dạng hơi lật ngửa ra và cụp về phía ngoài. Mo luồng thường sẽ rụng ngay sau khi cây măng tỏa đuôi én.
Hoa
Hoa luồng thường tập hợp thành từng cụm và có hình cầu. Hoa luồng chét có hình trái xoan nhọn. Mỗi hoa có độ dài trung bình khoảng 10mm và chiều rộng khoảng 4mm.
Phân bố
Luồng là loại thực vật có khả năng mọc và sinh trưởng tự nhiên theo từng cụm. Hiện tại, loại cây này được trồng nhiều ở khu vực ven sông Mã. Trong đó, Sơn La và Thanh Hóa là hai tỉnh trồng nhiều nhất và được xem là “cái nôi” của cây luồng.
Ngoài ra, ở vùng Bắc Bộ (từ Yên Bái đến Hòa Bình) và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) cây luồng cũng đang được nhân giống và trồng rất phổ biến.
Đặc điểm sinh học
Điều kiện tự nhiên
Cây luồng rất phù hợp với các khu vực có khí hậu nóng, ẩm, như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những nơi có địa hình là đồi núi, với độ dốc vừa phải (dưới 300) và độ cao dưới 800m so với mặt biển là điều kiện tự nhiên lý tưởng để cây phát triển. Đặc biệt, những nơi đất bằng như chân đồi hoặc sườn thoải thì cây phát triển càng nhanh hơn.
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
Sự sinh trưởng và phát triển của cây luồng chia thành 3 thời kỳ:
- Thời kỳ thứ 1:Măng luồng phát triển ngầm ở trong đất thường là từ tháng 9-10 năm trước cho đến tháng 4-5 năm sau.
- Thời kỳ thứ 2: Măng mọc nhô lên mặt đất và phát triển nhanh về chiều cao.
- Thời kỳ thứ 3: Cây luồng phát triển chiều cao, cành, lá, rễ hoàn chỉnh. Sau giai đoạn này, luồng có thể tạo ra được thế hệ măng mới.
Luồng từ 1 đến 2 năm tuổi, thân có màu xanh nhạt, bóng và có ít phấn trắng. Luồng 3 đến 4 tuổi, thân có màu xanh sẫm. Luồng 5 năm tuổi trở lên tức là luồng già, có thể khai thác. Tuổi thọ trung bình của cây khoảng 8 đến 10 năm tuổi.
Công dụng của cây luồng
Cây luồng đem lại rất nhiều công dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
- Trong kiến trúc xây dựng, luồng được dùng làm cột chống, xà đỡ, làm cốp pha, làm kèo, cột nhà hay vách ngăn, làm ván ép….
- Trong sinh hoạt, luồng được dùng làm nông cụ sản xuất, đan thúng mủng, dần sàng,…
- Trong nội thất, luồng được dùng để sản xuất làm bàn ghế, giường tủ,…
- Trong ẩm thực, măng luồng dùng để xào, nấu, om, làm măng ớt, măng khô để chế biến thành các món ăn ngon.
Xem thêm : Cây trúc sào: Đặc điểm, phân bố, cách trồng và ứng dụng
Kỹ thuật nhân giống, gây trồng
Nhân giống
Hiện nay, có 3 phương pháp được sử dụng để nhân giống luồng đó là: chiết bầu, giâm cành và hom gốc,… Trong đó, chiết bầu là cách được sử dụng phổ biến nhất vì có nhiều ưu điểm vượt trội hơn 2 phương pháp kia.
Vùng trồng
Cây luồng rất thích hợp để trồng ở các vùng đồng bằng, vùng đồi núi thấp, ở chân đồi các dải đất hình yên ngựa hoặc là ở các sườn thoải. Loại đất trồng phù hợp với cây luồng gồm: đất Feralit nâu đỏ, đất Feralit đỏ vàng và đất phát triển trên đá vôi,….
Chăm sóc
Chăm sóc rừng Luồng chính yếu tố quyết định sản lượng thu hoạch. Vì vậy, sau khi cây luồng được 1 năm đến 2 năm tuổi, nên dọn cỏ cho luồng, chặt bỏ những cây bị hư hoặc cây chậm phát triển để điều tiết lại mật độ. Đồng thời, tiến hành xới đất, bón phân để đảm bảo cho luồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây luồng dễ bị bệnh chổi sể và bị sâu vòi voi tấn công vào giai đoạn măng. Cho nên, cần chú ý đến việc vệ sinh rừng, đặc biệt là giai đoạn ra măng để phòng trừ sâu bệnh.
Giá trị kinh tế, khoa học và bảo tồn
Với nhiều công dụng như đã đề cập ở nội dung trên thì có thể khẳng định
luồng mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, bà con trồng luồng sẽ tạo ra được một nguồn thu khá ổn định, để cái thiện đời sống nhờ canh tác loại cây này.
Bên cạnh đó, luồng là loại nguyên liệu sản xuất rất thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường có thể thay thế cho nhiều loại nguyên liệu hóa chất khác.
Đặc biệt, trồng cây luồng sẽ góp phần tạo ra nhiều rừng xanh hơn, bảo vệ đất, giữ nước và chống sạt lở ở khu vực đồi núi. Nguyên liệu tre luồng thay thế gỗ là một hướng đi bền vững và lâu dài trong tương lai để góp phần bảo vệ rừng.
Khai thác, chế biến và bảo quản
Khai thác
Luồng có thể được khai thác sau khi đã trồng 5 – 6 năm. Thời gian khai thác lên đến 40 năm.
Quy định về khai thác cây luồng
- Luân kỳ 1 năm, không được chặt quá 30% số cây của khóm.
- Luân kỳ 2 năm, không nên chặt quá 40% số cây của khóm.
Chế biến và bảo quản
Cây luồng sau khi được thu hoạch được phơi khô để bảo quản và sử dụng. Có thể gia tăng độ bền cho cây và hạn chế tình trạng mối mọt có thể xử lý bằng cách ngâm, phun các, quét các dung dịch khác tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Trên đây là những chia sẻ của Tre Trúc VN về đặc điểm, ứng dụng và cách trồng cây luồng. Hy vọng,nội dung của bài viết sẽ mang đến những kiến thức hữu ích với những đọc giả đang tìm kiếm thông tin về loại cây này.
Bài viết liên quan: