Nghề chằm lá dừa là một nét văn hóa độc đáo đặc trưng của người dân Nam Bộ. Những tấm lá chằm không chỉ được dùng để lợp nhà mà còn mang lại một nguồn thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống. Vậy, nghề chằm lá lợp nhà có từ bao giờ? Kỹ thuật chằm lá ra sao? Hãy cùng Tre Trúc VN tìm hiểu nhé!
Vì sao người dân Nam Bộ lại hay làm nhà mái lá để ở?
Nam Bộ là khu vực có nguồn nguyên liệu lá dừa nước rất lớn. Bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt nơi đây chính là điều kiện rất thuận lợi để cây dừa nước phát triển. Từ những tàu lá dừa nước nguyên sơ, người dân đã kết thành những tấm lợp hoàn chỉnh gọi là lá chằm (hay lá chầm, lá dừa chằm).
Ngày nay, tấm lá chằm đang được sử dụng khá phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, nó đã trở thành loại sản phẩm mang giá trị kinh tế cao và được sản xuất nhiều hơn. Nghề chằm lá lợp mái nhà ra đời từ đó và lan tỏa các tỉnh vùng đồng bằng Nam Bộ.
Nghề chằm lá lợp nhà đã có từ khi nào?
Theo các thống kê thì nghề chằm lá dừa của người dân Nam Bộ đã có lịch sử hơn 100 năm. Từ thế kỷ XVII, khi vùng đất này bắt đầu được khai hoang thì những căn lều tạm bợ lụp xụp lợp bằng mái lá đã được ra đời để che mưa nắng.
Ban đầu, người dân chỉ tận dụng tấm lá dừa có sẵn trong tự nhiên để lợp nhà. Qua thời gian, họ đã sáng tạo không ngừng để biến tấu những tàu lá dừa nước nguyên sơ thành tấm lá lợp chắc chắn hơn, đẹp hơn gọi là lá chằm. Đồng thời, những căn lều tạm bợ cũng được tôn tạo thành những căn nhà rộng và chắc chắn hơn.
Tìm hiểu quy trình và kỹ thuật chằm lá dừa nước
Để tạo ra được 1 tấm lá dừa chằm thì cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau.
Chuẩn bị nguyên liệu
Công tác chuẩn bị nguyên liệu bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Đốn tàu lá
Người ta sẽ chọn những tàu lá dừa già bánh tẻ, sau đó dùng rựa bén đốn để tránh làm hư sóng dừa. Xen kẽ trong những bụi dừa nước, người đốn cũng tuyển chọn thêm những cây cà bắp cao chừng 1.5m – 2m. Dùng để chẻ thành sợi dây lạt dùng khi chằm lá.
Bước 2: Róc lá
Sau khi đã đốn tàu lá, người ta sẽ gom chúng về một nơi rồi dùng rựa bén để róc phần lá khỏi phần sóng dừa. Kỹ thuật róc phải tỉ mỉ và khéo léo để tránh làm hư hại lá.
Bước 3: Ủ lá
Lá đã được bóc ra sẽ được bó lại và đem đi ngâm nước. Theo phương pháp truyền thống việc ngâm lá dừa trong nước 2-3 ngày rồi tiếp tục mang lên ủ một thời gian sẽ tạo được tạo độ dai, cứng và chắc cho lá. Đồng thời, việc này cũng giúp loại bỏ mối mọt và giữ cho tấm lá chằm có độ bền chắc và tuổi thọ kéo dài hơn.
Bước 4: Chẻ lạt
Cây cà bắp được sử dụng để chẻ lạt. Đây là bước đòi hỏi người chẻ cần có kinh nghiệm và sự khéo léo của đôi tay để sợi lạt không được quá dày hay quá mỏng. Lạt sau khi được chẻ, sẽ tiếp tục được rút phần thân lạt cho mềm ( gọi là rút lạt). Cuối cùng là dùng dao bén để chặt xéo phần đầu của lạt tạo thành mũi nhọn để khi chằm lá dễ xỏ hơn.
Bước 5: Chẻ hom
Hom được dùng để nẹp lá chằm và được ví như là cái “xương sống” của mỗi tấm lá chằm. Công đoạn chẻ hom cũng yêu cầu người thực hiện phải có người có kinh. Mỗi sóng lá dừa sẽ được chẻ thành 2-3 hom tùy vào độ lớn, nhỏ. Sau đó, hom được đem đi phơi nắng cho cứng lại rồi dựng đứng ở chỗ mát để bảo quản.
Xem thêm : Cách lựa chọn lá dừa nước lợp nhà chất lượng
Kỹ thuật chằm lá dừa nước
Kỹ thuật chằm lá dừa nước bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Chọn lá và ốp vào hom
Người thợ chằm lá sẽ chọn 1 cây hom, sau đó lấy một lá tốt và dài cùng với 2 lá ngắn và xấu hơn dùng để lót đệm ở phía trong. Sau khi ốp phần lá này vào hom rồi bẻ cong lại thành 2 phần ở bên dưới. Phần nằm dưới bao gồm đuôi lá cần phải đặt dài hơn phần đầu lá ở bên trên.
Bước 2: Xỏ lạt
Sau khi đã ốp chiếc lá đầu tiên lên hom thì người chằm lá sẽ tiến hành xỏ lạt. Việc này bắt đầu bằng cách rút sợi dây lạt và xỏ từ phần đầu cứng nhọn. Mũi lạt được xỏ hết phần lá ở bên trên rồi luồn xuống phần lá ở bên dưới. Mục đích của việc này là để nẹp chặt lá vào hom. Sau khi hết sợi dây lạt này, thì rút thêm sợi lạt khác rồi cột rút cho chặt và ốp thêm lá, chằm nối tiếp đến khi nào hết chiều dài cây hom.
Toàn bộ thao tác này cần được tiến hành một cách đều đặn, để lá chằm tới đâu thẳng đến đó. Đồng thời cũng canh giữ để dây lạt thẳng 1 hàng, không được quá căng cũng không bị quá chùng. Có thể nói kỹ thuật chằm lá quan trọng nhất là ở công đoạn ốp lá và xỏ lạt này.
Ý nghĩa của nghề chằm lá lợp nhà đối với người dân Nam Bộ
Nghề chằm lá dừa nước đã tạo ra công việc ổn định tạo nguồn thu nhập giúp người dân Nam Bộ phát triển kinh tế. Đồng thời, việc trồng dừa nước cũng được chú trọng để cung cấp nguồn nguyên liệu làm lá chằm.
Bên cạnh đó, nghề chằm lá còn là một nét văn hóa đặc trưng của vùng miền Nam Bộ. Những tấm lá chằm lợp mái đã góp phần tạo nên nhiều công trình độc đáo. Nhất là các nhà hàng, chợ, nhà nghỉ mát, nhà chòi, homestay hay khu du lịch sinh thái,…
Chính vì vậy, nghề chằm lá hiện nay cần được tập trung và phát triển thành những làng nghề truyền thống. Đây là cách để chúng ta gìn giữ và bảo tồn được một di tích văn hóa độc đáo của vùng đất Nam Bộ.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Tre Trúc VN đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nghề chằm lá lợp nhà cũng như kỹ thuật chằm lá dừa nước của người dân Nam Bộ. Nếu bạn cần sử dụng những tấm lá chằm để làm đẹp cho những công trình của mình thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Bài viết liên quan: